Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến trúc độc đáo của tháp Bà Ponagar ở Nha Trang

 

Khu di tích Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang - Khánh Hòa) là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa ChămPa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam. Tháp Bà được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ XII-XIII, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ.

     

                         Tổng thể công trình kiến trúc nhìn từ dưới chân tháp.

Công trình kiến trúc ấn tượng

Đến TP Nha Trang xinh đẹp, Tháp Bà Ponagar được coi là điểm tham quan du lịch tâm linh khá hấp dẫn du khách. Ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 2km về phía bắc.

Tổng thể kiến trúc của tháp Bà Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.

Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23m, là tháp Ponagar.

Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.

Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi…

Lễ hội văn hóa Chăm – Kinh hòa quyện

Trong sử sách cũng như tiềm thức của người Chăm, vai trò của nữ thần thiên y Ana Ponagar đặc biệt quan trọng và đó là biểu tượng người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập.

Mọi người tin Ponagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạo…Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc, mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng.

Tôn thờ mẫu hệ, mỗi làng Chăm đều có nơi thờ cúng mẹ xứ sở, nhưng tháp Bà Ponagar ở Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nhận định, khoảng từ giữa thế kỷ XVII đến nay, nghi lễ thờ cúng mẹ xứ sở được người Chăm và người Kinh tổ chức chu đáo tại tháp Bà Ponagar.

Năm 1653, những lưu dân Việt từ phía bắc theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, dừng chân bên cửa sông Cái (Nha Trang), tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Và chính họ đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Kinh ở Đồng bằng Bắc bộ vào đây.

Trải bao thăng trầm lịch sử, người dân sinh sống dọc đôi bờ sông Cái (tỉnh Khánh Hòa) vẫn lưu truyền huyền tích thánh mẫu Thiên y Ana. Hàng năm, lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể từ ngày 20-23 tháng ba âm lịch.

Người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về tháp Bà Ponaga Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một người phụ nữ đã có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông.

Theo thời gian và xu thế phát triển của xã hội hiện đại, nghi thức lễ hội có nhiều thay đổi, nhưng dù thế nào, trong ngày lễ trọng, người Kinh vẫn nao nức tổ chức hàng trăm đoàn múa bóng, dâng hoa..., người Chăm tưng bừng vỗ trống ghinăng, paranưng, say sưa kéo đàn kanhi và hát dân ca…

Dưới đây là một số hình ảnh về Tháp Bà Ponagar Nha Trang:

    

                                 Cổng chính của tháp nhìn từ ngoài vào.

    

        Ở các cột lớn và nhỏ, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính.

     

                                                    Khu đền chính.

      

                               Tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin.

     

                                                            Mandapa.

     

     

       

                   Tục thờ cúng và nghi thức lễ hội của người Chăm tại ngôi đền.

Source: Báo xây dựngHits: 4815
 

Nguồn: http://www.nhatrang-travel.com/index.php?cat=0505&type=1&itemid=2475
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết