Hỗ trợ địa phương biên giới phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa: Chính sách thiết thực, làm thật và làm được
Ngày 28/5, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã báo cáo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng về dự thảo quyết định của Thủ tướng về việc Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số.Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch là yếu tố quyết định Trước khi dự thảo quyết định này, TCDL đã thành lập tổ công tác khảo sát, đề nghị các địa phương báo cáo và tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi từ doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng thành những chính sách khả thi, thiết thực, phù hợp với thực trạng và tình hình phát triển thời gian tới ở các địa phương vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy giá trị văn hóa và xóa đói giảm nghèo Đồng bào dân tộc thiểu số có bộ phận sống đan xen với nhiều dân tộc khác cùng cộng cư trên một địa bàn nhưng chủ yếu sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng... Có những dân tộc có số dân trên 1 triệu người nhưng có những dân tộc số dân rất ít, dưới 1.000 người. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán riêng và tiềm năng phát triển du lịch cũng khác nhau. Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số nhiều năm qua đã được thực hiện như lập danh mục kiểm kê di tích để quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật; phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống; công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hỗ trợ đào tạo với đối tượng người dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể… Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL và Tổng cục đã tổ chức và hỗ trợ các địa phương tổ chức nhiều chương trình khảo sát, phát triển sản phẩm tại vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… ; triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ các địa phương (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang); nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển mô hình du lịch cộng đồng… Du lịch cộng đồng ở các vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số và góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Mô hình du lịch cộng đồng rất phù hợp để phát triển du lịch ở vùng biên giới vùng sâu, vùng xa Xây dựng những mô hình phù hợp và khả thi Có một thực tế hiện đang rất thiếu chính sách để có thể hỗ trợ phát triển du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số như hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; thiếu chính sách cơ bản về du lịch (đào tạo nghiệp vụ du lịch, xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con dân tộc thiểu số; phát hiện, lựa chọn các giá trị văn hóa phù hợp để xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối thu hút khách du lịch, xúc tiến du lịch; hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số về xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách). Tuy nhiên cũng phải thấy rõ là không phải địa phương nào, dân tộc nào cũng có khả năng phát triển du lịch. Trong 435 xã, phường, thị trấn của 103 huyện, thị, thành phố thuộc 25 tỉnh trên toàn quốc thuộc vùng biên giới đất liền, cần phải có sự chọn lọc và áp dụng các mô hình phát triển du lịch cho phù hợp. Khách du lịch quốc tế học làm thổ cẩm với người dân tộc thiểu số Ảnh: L.T Theo dự thảo, quyết định này sẽ quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đối với các xã biên giới thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ được đề xuất sẽ tập trung vào hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; hỗ trợ bảo tồn văn hóa phục vụ phát triển du lịch; đào tạo năng lực cho người dân tộc thiểu số phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch; kết nối thu hút khách du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch. Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của TCDL, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh: “Cơ chế, chính sách này phải đúng là chính sách thật, làm thật và đạt hiệu quả. Tức là phải nghiên cứu kỹ thực trạng, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, đối tượng thụ hưởng, chính sách cần có; đề xuất chính sách sát thực tế, có cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và nâng cao năng lực của người dân để tự thân họ có thể phát triển du lịch chứ không phải cứ có ngân sách nhà nước mới phát triển”. Thứ trưởng cũng cho rằng, chính sách này cần đặt ra mục tiêu sẽ làm được gì, mục tiêu đó cần nguồn lực như thế nào, cơ chế ra sao? Với những vùng miền, dân tộc khác nhau phải có chính sách, mô hình phát triển, sản phẩm du lịch cho phù hợp. Khi xây dựng chính sách, cần tiếp cận vấn đề một cách khoa học và phù hợp với thực tế theo hướng phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững chứ không đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế. Lựa chọn những thôn, bản, vùng miền đã và đang bảo tồn văn hóa, có khả năng phát huy giá trị văn hóa và phát triển du lịch. Với những xã, bản, dân tộc chưa thực hiện tốt bảo tồn văn hóa thì cần bổ sung chính sách, xây dựng mô hình phát triển du lịch để khai thác những lợi thế khác.
Thúy Hà | ||
Source: vietnamtourism.gov.vn | Hits: 1 | |