Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở KHÁNH HÒA

LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở KHÁNH HÒA

1. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể
1.1 Quá trình ra đời và tồn tại : Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải – là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Quảng Bình trở vào, trong đó đậm đặc nhất là vùng Nam Trung bộ. Ông Nam Hải, thực ra là loài cá Voi – loài cá có thân hình to lớn, nhưng bản tính lại hiền hoà, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển được ngư dân các tỉnh phía Nam gọi cá ‘Đức Ông’,‘Cá Ông’ hay ‘Ông Nam Hải’. Khi Cá Ông chết, trôi dạt vào bờ thuộc địa phận của làng biển nào, thì làng biển ấy phải tổ chức lễ tang long trọng và lập Lăng thờ phụng và cúng tế rất nghiêm cẩn. Lễ tế Ông Nam Hải ngày nay thường được gọi là Lễ hội Cầu Ngư.

1.2. Những truyền thuyết về tục thờ Cá Voi
Tục thờ Cá Ông ra đời từ bao giờ và đâu là nơi phát tích đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác. Để giải thích cho tục thờ Cá Voi có nhiều truyền thuyết, trong đó một số truyện thuyết, chuyện kể vẫn còn được lưu truyền cho đến hôm nay:
– Trong thần thoại Chăm kể lại: Sau thời gian rèn luyện phép thuật vì nôn nóng trở về xứ sở, Cha-Aih-Va đã cãi lời thầy tự ý biến thành cá voi, ra sông lớn mà đi nên sau đó đã bị trừng phạt. Cha-Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển), cũng có lúc hoá thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền.

– Truyền thuyết Phật giáo kể rằng: Ngày xưa, Đức Phật Bà Nam Hải Quan Âm, khi đi tuần du Nam Hải, Ngài rất đau xót khi mỗi mùa biển động, bão tố, nhiều thuyền nhân và ngư dân bị đắm thuyền và chết trôi trên biển cả. Để cứu giúp những sanh linh, Ngài liền lấy chiếc áo cà sa đang mặc và xé ra làm ngàn mảnh nhỏ ném xuống biển khơi, rồi hoá phép thành loài cá Voi có thân hình to lớn, lại ban cho cả “Phép thâu đường”để bơi thật nhanh nhằm kịp đến cứu giúp ngưòi bị nạn. Từ đó, loài cá Voi luôn là trợ thủ đắc lực trong việc cứu giúp người bị nạn trên biển. Do vậy, người dân miền biển các tỉnh phía Nam nước ta xem loài cá Voi là vị thần linh của biển khơi.
– Truyền thuyết cũng kể, trên đường bôn tẩu đến nước Xiêm để tránh cuộc truy đuổi của Nhà Tây Sơn, khi đến Vịnh Xiêm La thì gặp giông tố, lúc thuyền của Chúa Nguyễn Phúc Ánh sắp bị lật đã được Cá Ông nâng đỡ và đưa vào  đảo Thổ Châu. Năm 1802, sau khi lên ngôi Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) đã ban chiếu sắc phong Cá Voi là Nam Hải Đại Tướng Quân để tỏ lòng tri ân. Các vua chúa triều Nguyễn đã liên tiếp ban những sắc phong cao quý cho Cá Voi này và sắc phong cao nhất cho Ngài là: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần.

– Riêng ở thôn Quảng Hội (xã vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) lại có truyền thuyết liên quan đến Quan Công và ông Nam Hải. Truyền thuyết kể rằng, một con phượng hoàng đẻ ra hai trứng, một trứng rớt xuống biển Đông hoá thành ông Nam Hải (cá voi) và trứng kia rơi trên đất liền, được một vị hoà thượng ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh…

Chính quyền phong kiến trước kia quy định rằng: Làng nào bắt gặp cá ông chết thì lý trưởng phải báo cho phủ, huyện để quan khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau 3 năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, khạp, đưa vào lăng, đình, vạn, đền, miếu xây sẵn để thờ tùy địa phương. Mỗi làng đều có người trông coi hương khói và một hội đồng quản lý làng.

Từ tập tục trên, ở Khánh Hòa người thấy xác cá Ông đầu tiên phải có nhiệm vụ kéo cá vào bờ biển để tổ chức lễ tống táng. Bấy giờ họ trở thành người con trai trưởng của cá Ông và phải chịu tang 3 năm chứ không chỉ chịu tang 100 ngày như các tỉnh trong vùng. Sau khi mãn tang, hàng năm cứ vào ngày Ông lụy (tức là ngày cá Voi chết), bà con ngư dân long trọng tổ chức Lễ Tế Ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu Ngư với đầy đủ các nghi thức. Người dân miền biển tin rằng, tổ chức tế lễ càng chu đáo bao nhiêu, nghi thức càng đầy đủ bao nhiêu, thì ân đức của Ngài sẽ ban lại cho ngư dân được mùa tôm, cá, đời sống no ấm, sung túc bấy nhiêu.

Đến nay, cư dân vùng biển Khánh Hòa vẫn xem ngày này là một ngày lễ trọng và họ tổ chức thật long trọng, thành kính để cầu cho quốc thái dân an, làm ăn tấn tới và thật sự là ngày hội theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngoài cấu trúc thờ tự những Lăng độc lập. Ở Khánh Hòa có một số điểm thờ Cá Ông nằm chung trong Đình làng như: Trường Tây, Trí Nguyên, Trường Đông (Tp. Nha Trang), Bá Hà 1, Đông Hà (huyện Ninh Hoà). Lăng Ông Cù Lao (phường Vĩnh Thọ, Tp. Nha Trang) nằm trong cụm cơ sở tín ngưỡng dân gian gồm: Chùa, Đình, Nhà Tiền hiền và Lăng Ông Nam Hải. Tuy nhiên, cấu trúc thờ tự bên trong thì vẫn giống như các Lăng độc lập. Ngày nay, việc ‘đình lăng kết hợp’ và ‘phối tự phối tế’ đang được nhiều ngư dân ủng hộ và có xu thế ngày càng phát triển.

2. Tiến trình của Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa

Nếu lễ hội ở vùng đồng bằng Khánh Hòa thiên về sự trang nghiêm, thành kính thì Lễ hội Cầu Ngư lại thiên về sự tưng bừng, náo nức và tràn trề sức sống như những đợt sóng triều. Cũng không như các lễ hội truyền thồng khác, không gian Lễ hội thường chỉ khoanh lại trong một phạm vi điện thờ; không gian Lễ hội Cầu Ngư lại được mở rộng ra toàn làng và ngoài biển khơi mà Lăng Ông chỉ là tâm điểm.

Trong không gian mở ấy, rất nhiều nghi thức được diễn ra trong ba ngày đêm, trong đó có những nghi thức riêng có như: Lễ Nghinh Ông (Lễ Nghinh thủy triều), trò diễn Hò Bá trạo – những nghi thức lễ nhưng đầy tính chất hội hè ấy, đã tạo nên đặc trưng cho Lễ hội Cầu ngư của vùng Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

2.1. Lễ Rước sắc
Ở Khánh Hòa, các sắc phong Ông Nam Hải thường không đặt tại Lăng mà được cất giữ tại Nhà Tiền hiền hoặc giao cho một hào lão có uy tín trong làng gìn giữ gọi là ‘Thủ sắc’, khi có lễ hội thì mới rước sắc về Lăng tổ chức bái tế. Do vậy, Lễ Rước sắc được xem như nghi thức mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa.

Lễ Rước sắc được bắt đầu vào sáng ngày đầu tiên của Lễ hội. Đúng giờ quy định, Ban Tế lễ, các vị hào lão, những người phụng sự lễ hội và dân làng lễ phục trang nghiêm, tề tựu đầy đủ tại Nhà Tiền hiền để chuẩn bị vào cuộc lễ. Lễ gồm ba nghi thức:
– Thỉnh sắc: Được thực hiện trang trọng trước chánh điện của Nhà Tiền hiền. Ban Tế lễ thay mặt dân làng dâng hương xin với Thành hoàng và các vị Tiền Hậu hiền được thỉnh sắc Ông Nam Hải về Lăng bái tế. Ở một số nơi, Lễ Thỉnh sắc cũng chính là Lễ Tế Tiền hiền.
– Rước sắc: Được thực hiện theo hình thức đám rước long trọng. Một đám rước được tổ chức bài bản gây ấn tượng lớn cho mọi người, thu hút đông đảo dân làng tham dự và tạo nên không khí vừa thiêng liêng, vừa gần  gũi – trang trọng mà là rất nhộn nhịp, tưng bừng.
– Khai sắc: Khi đám rước về đến Lăng, Ban Tế lễ đưa Long đình vào Chánh điện. Sau khi nhập Long đình vào Lăng, vị Chánh tế sẽ mang sắc phong đặt lên bàn thờ để làm Lễ Khai sắc và mở đầu cho Lễ hội Cầu Ngư.

Ngày nay, do xu hướng giản lược các nghi thức cổ truyền trong lễ hội, một số làng biển đã sáp nhập Đình làng và Lăng Ông làm một trong thờ tự và cả bái tế. Cũng từ đó, nhiều nơi đã không còn giữ được Lễ Rước sắc theo nghi thức cổ truyền mà chỉ giữ lại phần Lễ Khai sắc – một nghi thức bắt buộc trước khi vào lễ hội.

2.2. Lễ Nghinh Ông
Nếu như Lễ Rước sắc là nghi thức được sử dụng chung cho nhiều lễ hội mà nơi tổ chức hoặc vị Thần chủ được bái tế trong lễ hội ấy có sắc phong vua ban, thì Lễ Nghinh Ông là nghi thức riêng có của Lễ hội Cầu Ngư.

Lễ Nghinh Ông ở Khánh Hòa thường được tổ chức vào giờ thủy triều lên nên còn gọi là ‘Lễ nghinh thủy triều’. Lễ được thực hiện nhằm mục đích rước hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về Lăng trước khi Tế chánh. Vì vậy, nghi thức này còn được gọi là ‘Phụng nghinh hồi đình’. Do Lễ hội Cầu Ngư ở các làng không trùng nhau về thời gian mà theo tập tục lễ nghinh Ông phải tùy theo con nước lên, nên giờ tiến hành lễ của mỗi làng cũng mỗi khác. Nhưng đa phần Lễ Nghinh Ông ở Khánh Hòa đều được tổ chức vào sáng sớm – là thời điểm mặt trời lên cũng như nước triều lên. Lễ Nghinh Ông thường kéo dài trong khoảng hai giờ. Đoàn thuyền tham dự Lễ Nghinh Ông ở Khánh Hòa phải là những chiếc thuyền đánh cá đích thực và được bố trí như sau:
– Ghe lễ: Để tạo thêm diện tích cho không gian hành lễ, nhiều nơi đã cho ghép hai chiếc thuyền nhỏ hơn vào ghe chính tạo thành ghe lễ. Ghe chính được trang hoàng lộng lẫy với cờ, lọng, ở giữa ghe có một cột cờ chính treo lá cờ đại. Long đình được đặt ở mũi thuyền, phía trước có bàn hương án để đặt lễ vật bái tế. Ban Tế lễ và đội nhạc đều ngồi ở ghe chính. Hai ghe ghép cũng được trang trí cờ hoa và dành cho trống chiêng và các người phục vụ lễ.

– Ghe Bá trạo: Gồm 2 chếc đi hai bên Ghe lễ, cũng được trang trí cờ hoa nhưng giản đơn hơn Ghe lễ. Một ghe chở một nhóm Bá trạo và Tổng Lái, ghe kia chở một nhóm Bá trạo cùng Tổng Mũi, Tổng Khoang (Tổng Thương). Đội Bá trạo phải đứng chèo hầu trong suốt quá trình hành lễ trên biển.
– Ghe dắt: Là chiếc ghe nhỏ chở đội Lân, ghe này phải nối với Ghe lễ một sợi dây và có nhiệm vụ dẫn đầu đám rước. Nhiều nơi không tổ chức ghe dắt thì  đội Lân sẽ ở trên Ghe lễ.

Ngoài số ghe quy định trên, còn có nhiều ghe của ngư dân hoặc khách tham quan cũng đi theo dự lễ, tạo nên không khí tưng bừng và sắc màu cho Lễ Nghinh Ông.

Khi ra khơi, chiếc Ghe dắt chở đội Lân dẫn đầu đoàn thuyền hành lễ; Ghe Lễ đi chính giữa, hai Ghe Bá trạo đi hai bên và lui về phía sau nửa thân Ghe Lễ. Đội Bá trạo và Lân múa nhẹ nhàng theo nhịp thuyền đi nhưng không hát và không sử dụng nhạc. Ra đến cửa biển thì dừng lại và cử hành tế lễ. Sau đó, đoàn thuyền quay về trong rạng rỡ nắng mai. Ghe Lễ vẫn đi giữa, hai Ghe Bá trạo sóng đôi và đổi vị trí cho nhau để mô phỏng cách lội của Cá Ông khi dạt vào bờ tìm chỗ lụy. Tiếng chiêng, tiếng trống điểm nhịp cho đội Bá trạo hát ‘Phụng nghinh hồi đình’ trên suốt chặng đường về để rước hồn Ông nhập Lăng bái tế. Cặp bến, mũi ghe phải hướng về phía Lăng, đoàn tế lễ đưa Long đình xuống rồi cùng với dân làng rước hồn Ông nhập điện. Đến đây thì đội Siêu sẽ múa trước điện thờ để mừng Ông, sau đó đội Bá trạo lại trình diễn một lần nữa và lần này được diễn ngay trước điện thờ để mừng Ông về với cháu con.

 2.3. Hò Bá Trạo
Hò Bá trạo là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ mang tính tổng thể nguyên hợp đậm nét. Với hình thức biểu diễn tổng hợp mang tính chất sân khấu dân gian như múa, hát, nói… Là trò diễn nhưng lại được xem là một nghi lễ bắt buộc chỉ riêng có trong Lễ hội Cầu Ngư ở Nam trung bộ và Khánh Hòa.

Hò Bá trạo trong Lễ hội Cầu Ngư 

Theo cổ lệ, mỗi làng có Lăng Ông đều thành lập đội Hò Bá trạo để phục vụ cho lễ hội làng mình. Trước ngày lễ hội, làng chọn từ 15 đến 19 thanh niên khỏe mạnh để tập trò Hò Bá trạo. Trong thời gian luyện tập ấy họ phải ăn chay nằm đất, tránh sát sinh và không được quan hệ với phụ nữ nhằm giữ cho thân tâm trong sáng để phụng sự Đức Ông. Về sau cổ lệ này được gia giảm, đồng thời do nhu cầu nâng cao chất lượng phục vụ lễ hội mà đã hình thành nên các đội Hò Bá trạo bán chuyên và chuyên nghiệp. Từ đó, các làng biển mất dần các đội Hò Bá trạo hoặc chỉ còn giữ lại những trạo phu còn các vai chủ chốt như Tông Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương thì phải nhờ những người chuyên nghiệp thủ diễn.

Do xuất phát điểm của trò diễn Hò Bá Trạo là nhằm cúng tế Ông Nam Hải nên cho dù theo thời gian trò diễn đã được chuyên nghiệp hóa từng phần, được bổ sung nhiều mặt nhưng nó vẫn giữ được phong vị và tính chất như thời kỳ đầu và chỉ được dùng riêng trong Lễ hội Cầu Ngư hay những ngày tế lễ có liên quan đến Ông Nam Hải của cư dân miền biển Nam Trung bộ và Khánh Hòa, góp phần tạo nên bản sắc cho một vùng đất.

Qua khảo sát các bổn tuồng Hò Bá trạo đang tồn tại ở Khánh Hòa có thể thấy, tuy các bổn tuồng có sự khác nhau về ngôn ngữ văn học, làn điệu ca hát và dộ dài ngắn… nhưng nội dung đều tập trung ca ngợi công đức Ông Nam Hải và ước mong cuộc sống an hòa, cầu cho được mùa tôm cá. Và cho dù bổn tuồng, cách diễn có khác nhau nhưng tựu chung đều có chung cấu trúc, bố cục. Sự thống nhất cấu trúc, bố cục và nội dung đã tạo lên một kịch bản tổng hợp và hình thành trò diễn có chung tên gọi: Hò Bá trạo. Sau đây là cấu trúc trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa:

Các nhân vật trong trò diễn Hò Bá trạo

Hình tượng các nhân vật trong trò diễn Hò Bá trạo:
– Tổng Lái: Là nhân vật chủ thuyền, được hóa trang thành một lão ngư và đảm trách ở vị trí người cầm lái. Tổng Lái mặc áo dài đen hoặc xanh quần trắng, tay cầm mái chèo dài chừng 2,4m, là người lĩnh xướng điều hành cả đội chèo.
– Tổng Mũi: Được hóa trang thành một trung niên khỏe mạnh, đứng ở vị trí đầu thuyền, tay cầm cặp sanh để gõ nhịp cho cả đoàn cùng ca diễn. Cũng như Tổng Lái, nhân vật Tổng Mũi thường hát lĩnh xướng và nhất thiết phải là người vững vàng về nghề ca diễn vì ngoài việc đảm trách vai diễn của mình, Tổng Mũi còn là người giữ nhịp điều hành cho cả trò diễn.
– Tổng Thương: Là nhân vật mang tính chất hài, đứng ở vị trị giữa khoang nên cò gọi là Tổng Khoang. Tổng Khoang trong trò diễn là người lo việc giữ thuyền, tát nước, nấu bếp…Tổng Khoang mặc áo ngắn màu đen, tay cầm chiếc gậy có hình con cá, mặt vẽ ria chuột nên còn có tên là Tổng Chuột.
– Trạo phu: Có từ 10 đến 16 người, tay cầm mái chèo ngắn 1,2m. Các trạo phu đều mặc áo chẻn màu xanh (hoặc đen), quần trắng, tay áo và ống quần đều bó xà cạp; đầu đội nón chóp như kiểu lính thú thời xưa.Tất cả sắp xếp thành hai hàng dọc tạo thành mô hình con tàu đang lướt sóng ra khơi, đồngthời cũng tượng trưng cho những người hầu của Ông Nam Hải.

Cấu trúc bổn tuồng Hò Bá trạo:
Qua khảo sát các văn bản cho thấy Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có cấu trúc như sau:
– Lớp I – Giáo đầu: Do Tổng Lái đảm trách. Là lớp giới thiệu lý do diễn ra Hò Bá trạo. Tùy mục đích của cuộc tế lễ mà phần nội dung của lớp giáo đầu có thể thay đổi khác nhau. Lớp giáo đầu thường được nối sau đoạn múa xếp chữ chúc phúc và lạy Ông Nam Hải.

– Lớp II – Ra khơi: Là lớp chủ yếu và quan trọng nhất của trò diễn Hò Bá trạo. Nó quan trọng nhất không chỉ vì đây là lớp có dài nhất (gần một nửa trò diễn) mà còn vì ở lớp này các trình thức biểu diễn của trò diễn được phát huy nhiều nhất và qua đó bộc lộ toàn bộ chủ đề tư tưởng, nội dung của trò diễn.

Trong lớp này sử dụng khá nhiều trình thức sân khấu, các cách hát được lấy từ nghệ thuật hát bội được đan xen với các làn điệu dân ca đặc trưng trong đó bài ‘Hò Bá trạo’ nối sang điệu hát Nam được sử dụng nhiều lần. Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã viết: ‘…Từ xưa điệu hát Nam chỉ sử dụng cho lúc sắp sửa ra đi và trên đường đi. Hát Nam không bao giờ được sử dụng cho đối thoại, chủ yếu là độc thoại mà là độc thoại trên đường đi, chứ tuyệt đối không phải là độc thoại trường dạ…’ Và ông đã nhấn mạnh chức năng của hát Nam là ‘ biểu hiện tâm sự nhân vật trên đường đi’. Sự kết hợp đó nhằm diễn tả quá trình con thuyền đang vượt sóng ra khơi và tình cảm của ngư dân đối với biển trời và khát khao của họ.
– Lớp III – Tổng Thương xem giông: Là lớp mô tả cảnh con thuyền đang tạm nghỉ trên biển. Khi tất cả mọi người đều ngủ chỉ còn mỗi mình Tổng Thương lo canh chừng thuyền và tát nước. Đây là lớp dành riêng cho nhân vật Tổng Thương độc diễn và là lớp có nhiều tình tiết gây cười, cho phép người diễn được ngẫu hứng tối đa nên đòi hỏi nên đòi hỏi người diễn phải giỏi. Lớp diễn được kết thúc khi Tổng Thương phát hiện cơn giông đang bất ngờ ập đến và đánh thức mọi người dậy để ứng phó với cơn giông.
Lớp diễn Tổng thương xem giông là cái đời thường nằm ngay trong không khí thiêng liêng của phần lễ, làm cho sự giao hòa giữa thần linh và con người thêm gắn bó, tính nhân văn vì thế càng cao hơn.
– Lớp IV – Về bến: Mô tả cảnh đoàn ngư dân đang chống chọi với cơn giông để đưa con thuyền về bến an toàn. Đây là lớp có sử dụng nhiều điệu hò đặc hữu của trò diễn Hò Bá trạo như: Hò Mái dặm, Hò Mái ngơi, Hò Nhại, Hò Bá trạo… tạo nên lớp diễn sôi động và mạnh mẽ như tinh thần vượt thắng gian nguy của người dân biển.

Trong nhiều bổn tuồng ở Khánh Hòa lớp này thường được viết theo thể thơ lục bát và dài đến hai trăm câu, nội dung tập trung kể công đức của Ông Nam Hải và như lời cầu khẩn Ông hày giúp ngư dân vượt qua giông bão. Đoạn này cũng chính là đoạn đội Bá Trạo phải hát khi quay thuyền về trong Lễ Nghinh Ông. Vì vậy, nó còn gọi là Lớp Quay thuyền.

Về nội dung của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa:

Có thể nói, dù được diễn ra trong Lễ hội Cầu Ngư, Lễ Thượng Ngọc cốt hay Lễ Khánh thành Lăng mới thì nội dung cốt yếu, bao trùm của Hò Bá trạo vẫn tập trung vào phản ánh các mặt sau đây:
– Hò Bá trạo – Khúc tụng ca công đức Ông Nam Hải: Khảo sát các bổn tuồng hiện đang lưu giữ ở các Lăng Trường Tây (phường Vĩnh Nguyên), Trường Đông (phường Vĩnh Trường) của thành phố Nha Trang và Lăng Lương Hải, (thị trấn Vạn Giã) huyện Vạn Ninh sẽ thấy rõ nội dung chủ yếu là ngợi ca công đức của Ông Nam Hải và lòng tôn sùng, kính trọng lẫn đau xót của ngư dân khi Ông “lụy”. Đặc biệt, ở lớp ‘Phụng nghinh hồi đình’ được đội Bá trạo hát trong Lễ Nghinh Ông đã phản ánh rõ đó là khúc tụng ca công đức Ông Nam Hải.
– Hò Bá trạo – Khúc tráng ca của người dân biển: Tin tưởng vào sự độ trì của Ông Nam Hải nhưng không phải vì thế mà người dân biển lại phó mặc cuộc đời mình theo vận mệnh. Trái lại đức tin đó đã trở thành động lực tiếp sức cho họ thêm niềm tin và ý chí khi đối diện với bão giông. Điều đó đã được khắc họa đậm nét trong trò diễn Hò Bá Trạo ở Khánh Hòa. Có thể nói Hò Bá trạo không chỉ là khúc tụng ca về Ông Nam Hải mà còn là khúc tráng ca lẫm liệt và hào sảng của những người dân biển.

Với hình tượng con thuyền lướt sóng ra khơi cùng những động tác chèo khỏe khoắn, những điệu hò lao động mạnh mẽ với nội dung ca ngợi biển trời, đất nước đã được hát lên bằng tinh thần hào sảng đã nói lên điều đó.
– Hò Bá trạo – Niềm tin và ước vọng của người dân biển: Là trò diễn dâng cúng Ông Nam Hải nên nội dung phải toát lên sự ngợi ca công đức của Ông và cầu mong sự độ trì của Ông những lúc ra khơi vào lộng, đồng thời qua đó bày tỏ ước vọng, khẳng định ước mơ và củng cố niềm tin của mình: ‘‘Nay bổn vạn ngư dân tề tựu/ một lòng thành khởi lễ cầu ngư/ Cầu cho no ấm mọi người/ an cư lạc nghiệp đẹp tươi mọi nhà…’’

Tóm lại, Hò Bá Trạo là trò diễn dân gian có từ lâu đời và liên tục được các thế hệ ngư dân, nghệ nhân vùng Nam Trung bộ, Khánh Hòa góp công gìn giữ, đắp bồi và đến nay đã đạt đến độ hoàn chỉnh về nội dung, cấu trúc. Đặc điểm lớn nhất của bổn tuồng Hò Bá trạo là hình thức cấu trúc mở và nhờ vậy nó luôn được bổ sung ngày càng phong phú. Với cấu trúc ấy cho phép người nghệ sĩ dân gian Nam Trung bộ và Khánh Hòa được rộng đường sáng tạo mà không bị chệch hướng. Vì vậy, mỗi bổn tuồng Hò Bá trạo đều khác nhau, nhưng khi đọc lên, hát lên và nhất là khi diễn lên trong Lễ hội Cầu Ngư thì đều không có gì lẫn lộn được.

Chính vì vậy, có thể nói nếu Lễ hội Cầu Ngư là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cư dân vùng biển Khánh Hòa, thì trò diễn Hò Bá trạo là tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc riêng có trong Lễ hội Cầu Ngư, nó xứng đáng được xem là di sản văn hóa phi vật thể độc lập trong di sản chung.

2.4. Lễ Tỉnh sanh
Lễ Tỉnh sanh là một nghi thức trước khi vào Tế chánh. Ở Khánh Hòa khi tế các nhiên thần hoặc thiên thần thì trong lễ vật phải đủ tam sanh, trong đó nhất định phải có heo sống nguyên con. Lễ Tỉnh sanh thực chất là nghi thức lễ xin với Thần linh được giết vật hiến tế. Con heo được chọn làm vật hiến tế phải là heo toàn sinh, toàn sắc (nghĩa là loại heo chỉ có một màu và để nguyên con).

Trong khi diễn ra Lễ Nghinh Ông trên biển, những chấp sự được phân công ở nhà sẽ tiến hành Lễ Tỉnh sanh.

 2.5. Tế chánh
Trong bất kỳ lễ hội nào, Tế chánh bao giờ cũng là giờ phút thiêng liêng nhất, là nghi thức lễ quan trọng nhất. Trong Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa, lễ Tế chánh được diễn ra sau khi đội Bá Trạo đã hoàn thành xong nghi thức của mình trước điện thờ Ông Nam Hải và ban chấp sự cũng đã chuẩn bị xong những điều cần thiết cho buổi tế lễ quan trọng này. Thông thường Lễ Tế chánh Ông Nam Hải được diễn ra vào tầm 10 giờ sáng và kéo dài sang 11 giờ  – tức đầu giờ Ngọ. Người ta tin rằng cuộc tế lễ càng trang nghiêm, long trọng bao nhiêu thì sẽ nhận được bấy nhiêu sự độ trì Ông Nam Hải. Vì vậy mà trong Tế chánh không được để xảy ra bất cứ sai sót nào cả. Cuối lễ Tế chánh Đội Bá trạo lại múa lạy Ông Nam Hải để hạ ban.

 2.6. Thứ lễ và Tôn vương
 – Thứ lễ là nghi thức tiếp theo sau Tế chánh được tiến hành bằng hình thức hát cúng thần. Thứ lễ là nghi thức không phải lúc nào cũng có trong Lễ hội Cầu Ngư. Thông thường cứ 3 năm một lần, vào ngày Lễ hội Cầu Ngư các làng biển lại mời đoàn hát bội biểu diễn trước là để cúng Ông, sau là để giúp vui cho dân làng sau một năm dài làm ăn vất vả. Và chỉ năm nào làng mời đoàn hát bộ về hát cúng Ông thì lúc đó mới tổ chức Thứ lễ và Tôn vương.

Sân khấu để tổ chức hát bộ trong Lễ hội Cầu Ngư được đặt tại Võ ca (hoặc sân Lăng) và hướng vào án thờ Ông mà diễn. Khán giả đứng và ngồi xem cả ba mặt. Với hình thức tổ chức sân khấu như trên thì khán giả chủ yếu của buổi diễn Thứ lễ chính là các vị thần linh, còn nhân dân chỉ là khán giả xem nhờ. Cũng bởi vì cách diễn hướng mặt vào án thờ ấy mà nhân dân Khánh Hòa còn gọi hát bộ ở Lễ hội Cầu Ngư là ‘‘hát án’’.

 Hát ở Thứ lễ là hát cúng thần, hát dâng lễ cho Ông, vì vậy nên được dân làng coi trọng và có quy định riêng chứ không phải như một buổi hát thông thường. Về tuồng tích,Thứ lễ ở Khánh Hòa bắt buộc phải hát ‘‘Tuồng Ông’’, tức là những vở diễn nói về nhân vật Quan Công (Quan Vân Trường) trong Tam Quốc Chí và thường là vở ‘‘Quan Công phục Huê Dung’’, bởi vì đây là vở duy nhất trong các vở ‘‘Tuồng Ông’’ không có những cảnh chém giết diễn ra trên sân khấu, đồng thời hành vi tha Tào Tháo để trả ơn của Quan Công được nhân dân xem như một nghĩa cử khí tiết đáng trân trọng và hành vi ấy rất phù hợp với tâm lý, cách ứng xử của người dân biển.

Theo cổ lệ, người thủ vai Ông Đỏ (Quan Công) phải là diễn viên vừa giải nghề vừa phải có đạo đức. Nhiều nơi khi Ông Đỏ xuất hiện thì tất cả mọi người phải đứng lên để tỏ lòng tôn kính. Trong tâm thức của người dân biển Khánh Hòa, Ông Nam Hải và Ông Quan Công đã được nhất thể hóa. Đây cũng là một trong những sắc thái riêng của Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa.
– Tôn vương là nghi thức kết thúc lễ, cũng do đoàn hát bộ thực hiện. Theo truyền thống, sau phần hát Thứ lễ, Ban tổ chức sẽ cho dừng lại trong giây lát để cho dân làng và khách hành bưu (khách nơi khác đến dự lễ) vào lăng dâng hương; sau đó thông báo cho những người đang có tang chế, những người bị khuyết tật, những người phụ nữ đang mang thai, tạm thời rời khỏi nơi đang diễn lễ rồi đóng cổng Lăng để tiến hành Tôn vương.Bạn hát bội ở Khánh Hòa có câu: ‘‘Nhất Thứ lễ, nhị Tôn vương’’ để nhắc nhở nhau phải cẩn trọng vì Tôn vương cũng là nghi thức quan trong trong Lễ hội Cầu Ngư nên không được khinh suất.

Nếu ta nói Thứ lễ là lát cắt nối liền hai phần Lễ và Hội của Lễ hội Cầu Ngư thì Tôn vương chính là khúc tụng ca, lời chúc phúc về cuộc sống tươi đẹp mà nhân dân hằng mong ước và là khúc vĩ thanh của Thứ lễ giúp cho người dự lễ thêm phấn chấn để bước vào phần hội của Lễ hội Cầu Ngư một cách phấn khích nhất.

Thông thường trong Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa hát bội được tổ chức liên tục suốt cả ngày lẫn đêm, có nơi còn kéo dài đến vài ba mươi giờ liền, tạo nên không khí hội hè thâu đêm suốt sáng.

2.7. Lễ Tống Na: Lễ Tông na là lễ cúng cô hồn biển. Địa điểm hành lễ được thiết lập ở một góc sân Lăng, quay về hướng đông. Cũng như các buổi cúng cô hồn khác, người ta không lập bàn hương án trịnh trọng mà chỉ kê một chiếc bàn nhỏ. Phía trước bàn thờ đặt một chiếc ghe mô hình làm bằng nan, mô phỏng giống như chiếc thuyền đánh cá cỡ lớn.

Sau khi lễ tất, những vật tế được chọn mỗi thứ một ít đưa lên chiếc thuyền nan để đưa ra thả trên biển. Đoàn đi Tống na gồm hai người cầm cờ hội, bốn người khiêng thuyền, đi hai bên là hai người cầm siêu, theo sau là hai người cầm nhang vừa đi vừa cắm dọc đường từ Lăng Ông cho đến tận bãi biển. Đến bãi biển, người ta chuyển chiếc thuyền nan lên một chiếc ghe để đưa ra khơi hạ thủy như tiễn các vong hồn về với biển thẳm và gửi chút lòng của người dân biển đến những vong hồn không đến được với Lễ hội Cầu Ngư. Sau đó tất cả quay lại Lăng để làm lễ hoàn mãn.

 

 

3. Giá trị Di sản văn hóa Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội dân gian với nhiều nét đặc thù, hội đủ những giá trị văn hóa và có tác động mảnh liệt đến đời sống tinh thần cũng như tín ngưỡng của cư dân vùng biển các tỉnh phía Nam và Khánh Hòa. Vì vậy, bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là bảo tồn các giá trị văn hóa đã được nhân dân miền biển Khánh Hòa dày công bồi đắp, giữ gìn qua nhiều thế hệ.

– Lễ hội Cầu Ngư – ngày hội làng biển: Là vùng đất mới khai cơ nên làng ở Khánh Hòa không có đầy đủ những đặc điểm của một làng cổ Việt Nam, song cây đa, bến nước, sân đình…vẫn là những hình ảnh thân thương trong lòng người Khánh Hòa. Khác với các làng nông nghiệp, làng biển ở khánh Hòa thường được ven lạch nước, cửa sông hay cồn cát, bãi triều và thường biệt lập với các làng khác. Trong làng nhà cửa san sát nhau và đều quay mặt về hướng biển. Từ những đặc điểm ấy đã tạo cho người dân làng biển ở Khánh Hòa có tính cố kết cộng đồng rất cao.

Hầu như các làng biển ở Khánh Hòa đều có xây dựng Đình để thờ cúng Thành hoàng, Tiền hiền; một số làng còn có cả Lăng Ông Nam Hải và đã có Lăng tất phải có Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội Cầu Ngư không những gắn liền với tập tục lâu đời của ngư dân mà còn là ngày để mọi người được dịp vui chơi, giải trí, thăm viếng lẫn nhau. Ngày thường sinh hoạt làng biển thường co cụm trong phạm vi nội bộ cộng đồng, ít có dịp giao lưu với các làng lân cận; do vậy Lễ hội Cầu Ngư đã tạo điều kiện bù đắp lại những thiếu hụt về mặt tình cảm thật sự của mình. Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội của làng biển Khánh Hòa, là ngày sum họp của mọi người:
                                              “… Tháng hai lạch cúng đức Ông
                                                Ai đi đâu đó nhớ mong mà về…”

Lễ hội Cầu Ngư là lời mời gọi quê hương đối với những người xa xứ; là mạch ngầm nối ngàn xưa với ngàn sau để người dân biển muôn đời không rời xa biển.

– Lễ hội Cầu Ngư – niềm tin và ý chí của người dân biển: Nghề đánh bắt thủy sản của dân tộc ta vốn có từ lâu đời. Song song với việc mở cõi về phương Nam là việc di dân, định cư và mở rộng ngư trường đánh bắt. Địa lý ở nước ta cũng cho thấy, càng đi về phương Nam thì ngư trường càng phong phú, vì thế ngành đánh bắt thủy sản ở các tỉnh phía Nam cũng phát triển hơn các tỉnh phía Bắc.

Đi với biển là đi cùng với sóng gió, người xưa không có dụng cụ, phương tiện dự báo thời tiết nên sự nguy hiểm trên biển là điều khó có thể lường trước được. Có lẽ vì thế mà  người xưa tin vào vận mệnh hơn là tin vào bản thân mình và yếu tố thần linh phù trợ đã trở thành niềm tin, cứu cánh của ngư dân khi ra khơi bám biển. Trong thực tế, chuyện cá voi cứu sống được nhiều người gặp nạn trên biển đồng thời sự xuất hiện của cá voi còn là điềm báo cho ngư dân biết ở vùng biển ấy đang có nhiều đàn cá nổi, giúp cho ngư dân có được mùa cá bội thu. Vì thế, nên ngư dân các tỉnh phía Nam tôn cá voi là Đức Ngư, là Thần và luôn tri ân, sùng bái. Lễ hội Cầu Ngư vì vậy luôn gắn liền với lao động sản xuất của ngư dân, nó hàm chứa niềm tin sâu xa và tạo thành ý chí vượt lên gian khó để đạt đến hạnh phúc hằng khao khát.

Tin tưởng vào sự độ trì của Ông Nam Hải nên ngư dân cầu cúng, nhưng không phải vì thế mà họ ỷ lại và phó thác tất cả cho số mệnh đẩy đưa mà vẫn giữ vững ý chí của những người vốn đã từng đối mặt với sóng cả, bão giông: “Ngàn ngày nhờ phước cả/ một bữa phải gắng công/ dẫu nước ngược cũng xông/ gặp gió giông cũng lướt” (Trích Hò Bá trạo). Không chỉ thế, trong toàn bộ tiến trình Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa yếu tố lễ được tôn trọng,  nhưng vẫn toát lên không khí vui tươi, rạo rực của ngày hội làng biển – điều mà ngư dân đích thực muốn vươn đến. Nói cách khác, trong Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa “yếu tố thiêng” đã mở rộng ra và quyện lấy “cái đời thường”để tạo nên niềm tin cho cộng đòng làng biển và từ niềm tin ấy biến thành ý chí vượt thắng gian lao, vững tay chèo lái những lúc vào lộng ra khơi.
– Lễ hội Cầu Ngư – nơi bảo tồn các vốn nghệ thuật truyền thống và dân gian Nam Trung bộ: Trong bài phát biểu tại hội thảo quốc tế “Lễ hội truyền thống trong đời sống hiện tại” Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã nói: “Lễ hội là hình thức diễn xướng nguyên hợp và tổng hợp giữa lễ và hội, giữa các hình thức nghệ thuật khác nhau, giữa tính thiêng liêngcủa thần linh và tính trần tục của người đời… Chính trong môi trường cộng cảm và dân chủ ấy của lễ hội mà nhiều giá trị văn hóa đã được bảo lưu, các sáng tạo được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đảm bảo tính thống nhất văn hóa cộng đồng.”

Nhận định trên đối chiếu với Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa quả thật xác đáng. Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa đã tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian như: Hát bộ, Hò Bá trạo, Múa Siêu và các trò chơi dân gian tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển. Hơn 2/3 thời gian của lễ hội được dành cho các hoạt động nghệ thuật. Hơn thế nữa, các tuồng tích, trò diễn được trình diễn trong lễ hội này đều là những vốn quý được nhân dân NamTrung bộ sáng tạo, trao truyền và gìn giữ bao đời nay.

Tóm lại, Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là ngày hội làng biển ở Khánh Hòa, nó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự cố kết cộng đồng bao đời nay của cư dân vùng biển. Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa thể hiện niềm tin và ý chí vượt thắng gian lao để xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Lễ hội Cầu Ngư còn là bài ca lao động của cộng đồng cư dân vùng biển Khánh Hòa, được tái hiện dưới hình thức tế lễ, trò diễn dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và cũng từ đó nó trở thành chiếc nôi, nguồn sữa nuôi dưỡng vốn văn hóa dân gian, truyền thống của miền đất Nam Trung bộ, góp phần tạo nên nền tảng để xây dựng bản sắc văn hóa miền đất Khánh Hòa.

4. Hiện trạng di sản văn hóa Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa

 

 

Hiện nay ở Khánh Hòa có 50 nơi thờ Ông Nam Hải ở các địa phương: Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm.

Về nghi thức và tiến trình của Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là sự kế thừa và tích hợp của Lễ hội Cầu Ngư các tỉnh Nam Trung bộ mà chủ yếu là của các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Những năm từ 1975 đến 1990, từ nhiều lý do khác nhau các lễ hội truyền thống ở Khánh Hòa ít được quan tâm tổ chức, tuy nhiên các lễ thức tế tự của Lễ hội Cầu Ngư vẫn được dân làng gìn giữ.  Nhờ thế, khi có điều kiện thì các nghi thức trong Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa vẫn được bảo lưu, truyền thừa nguyên vẹn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa ngày càng được tổ chức chu đáo hơn và phát huy được hiệu quả xã hội trong đời sống đương đại. Lễ hội Cầu Ngư đã dần được nhân dân trong tỉnh và du khách biết đến như một di sản văn hóa đáng trân trọng, cần được giữ gìn và phát huy nhiều hơn nữa; Lễ hội Cầu Ngư đang đi vào đời sống đương đại và góp phần tạo nên bản sắc riêng cho vùng đất Khánh Hòa.

                                 Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa

 


Nguồn: nhatrang-travel.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết