Tổng quan: Cam Lâm - Tiềm năng và triển vọng
Diện tích: 550,26km2.
Dân số: 105.759 người.
Hành chính: Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Sơn Tân, Cam Thành Bắc, Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Suối Cát và thị trấn Cam Đức.
1. Vị trí địa lý
Huyện Cam Lâm là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa được thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ. Huyện gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cam Đức và 13 xã) với diện tích tự nhiên 550,26km2, dân số 105.759 người (năm 2014) bằng 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh Khánh Hòa. Về quy mô, huyện xếp thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong 9 huyện, thị xã và thành phố.
Huyện Cam Lâm nằm phía Nam tỉnh Khánh Hòa, phía Đông của huyện giáp biển Đông và huyện đảo Trường Sa với bờ biển dài 13 km, phía Bắc giáp Thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, phía Nam giáp Thành phố Cam Ranh, phía Tây giáp các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
2. Điều kiện tự nhiên
a) Địa hình
Huyện Cam Lâm có địa hình phong phú và đa dạng, có cả núi, đồi, đồng bằng, đầm thủy triều, bãi cát ven biển và biển khơi. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam, gồm 3 dạng địa hình chính là núi cao (chiếm 33,3% diện tích), núi thấp (28% diện tích), đồng bằng và đồi thoải (khoảng 38,7% diện tích).
Khu vực phía Tây và Tây Bắc của huyện chủ yếu là núi cao, núi thấp và đồi, độ dốc (15 - 25 độ) và chia cắt mạnh, cao trung bình 500 – 700m, có ngọn núi Hòn Bà cao 1.554m với khí hậu mát mẻ.
Khu vực phía Bắc và Đông Bắc chủ yếu là đồi thoải có sự đan xen – giao thoa giữa núi và đồng bằng bồi tụ ven biển, độ dốc 3 – 8 độ, với đất đai phì nhiêu phù hợp với việc trồng lúa và hoa màu.
Khu vực phía Đông và Đông Nam là địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, về phía Đông có Đầm Thủy triều thông với Bãi Dài và biển gồm đồi cát ven biển và biển khơi.
b) Khí hậu
Huyện Cam Lâm có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao và lượng mưa trung bình thấp nhất tỉnh, gió Tây khô nóng nhưng không kéo dài (dưới 15 ngày/năm). Biên độ nhiệt hàng tháng dao động từ 6 - 8oC. Nhiệt độ trung bình năm là 26 - 27oC (thấp nhất là 14,4oC vào tháng 01 và cao nhất là 39oC vào tháng 8). Tổng tích ôn khoảng 9.600 - 9.700oC. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.500 - 2.600 giờ/năm. Lượng mưa trung bình năm từ 1.400 - 2.200mm và có sự phân hóa, đồng bằng ven biển từ 1.000- 1.300mm, khu vực vùng núi 2.400-2.500mm. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung đến 70 - 80% lượng mưa cả năm, các tháng còn lại nắng ấm.
c) Thủy văn
Hệ thống sông, suối huyện Cam Lâm khá nhiều, tuy nhiên đều là các sông suối nhỏ, ngắn và dốc. Sông suối phân bố khá đều về không gian và có lưu vực lớn, vị trí thuận lợi để đắp đập xây hồ chứa, treo nước đầu nguồn để cung cấp cho sản xuất và đời sống người dân. Các sông, suối chính gồm: Suối Dầu, là nhánh phải của sông Cái Nha Trang, diện tích lưu vực 272km2; Suối Thượng dài 22km, diện tích lưu vực 142km2; Suối Tà Rục, chiều dài 23km, diện tích lưu vực 173km2 và các suối nhỏ khác.
3. Tài nguyên thiên nhiên
a) Tài nguyên đất
Huyện Cam Lâm có nhiều loại đất khác nhau, gồm đất đỏ vàng, đất xám, đất phù sa, đất mùn, đất cát, đất sỏi đá, đất mặn… thích hợp cho phát triển nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã trung du và đồng bằng như Cam An Nam, Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Tân, Suối Tân, Suối Cát... Nhóm đất mặn có diện tích tương đối lớn phân bố ở nhiều nơi thuộc các xã Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc… thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Đất phù sa phân bố ở các xã đồng bằng của huyện, thích hợp với việc trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất cát chủ yếu ở các xã Cam Hải Đông, Cam Hải Tây và Cam Đức, cát trắng xuất khẩu có trữ lượng lớn và chất lượng cao.
b) Tài nguyên nước
Nước mặt: Do các sông, suối, hồ chứa và kênh tưới thuộc hệ thống các hồ, đập dâng cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Mặc dù mạng lưới sông, suối khá nhiều nhưng mùa khô thường thiếu nước, mùa mưa lượng nước chảy ra biển đến hàng triệu m3. Vì vậy trên địa bàn huyện có một số khu vực sông, suối đã và đang được xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước và hồ thủy lợi để điều tiết nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là mùa khô.
Nước ngầm: Trữ lượng ít, phân bố không đều, chất lượng nước cũng biến đổi tùy theo mức độ nông hay sâu, gần hay xa biển. Ven biển nguồn nước ngầm ít và bị nhiễm mặn dễ gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
c) Tài nguyên rừng
Diện tích đất có rừng hiện chiếm 41% diện tích tự nhiên toàn huyện, chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo, rừng non và rừng trung bình. Điều đó ảnh hưởng đến điều hòa khí hậu của huyện và giảm khả năng điều tiết nước cho các công trình thủy lợi.
Sơ bộ trữ lượng gỗ khoảng 2,0 - 2,5 triệu m3, trong đó rừng tự nhiên có trữ lượng 1,8 triệu m3, và rừng trồng có trữ lượng 70 nghìn m3, trữ lượng tre, nứa, lồ ô là 1,6 triệu cây.
d) Tài nguyên khoáng sản
Huyện Cam Lâm có khoáng sản nguyên liệu công nghiệp và phục vụ nhu cầu xây dựng như cát, đá xây dựng, đất sét…; đáng chú ý là cát trắng Thủy Triều và đá xây dựng. Cát trắng Thủy triều với trữ lượng 30 triệu m3, tập trung ở các xã Cam Hải Đông, Cam Đức, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và Cam Hiệp Nam. Cát trắng có hàm lượng silicat cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy tinh quang học, pha lê và lộ thiên nên thuận lợi phục vụ xuất khẩu với sản lượng 10 - 15 vạn tấn/năm.
Đá sản xuất ốp lát, trang trí tập trung ở xã Suối Cát với trữ lượng khoảng 244 triệu m3; đá Granit xây dựng tập trung ở Suối Tân và Cam Hải Tây với trữ lượng 90 triệu m3; đá Ryolit và Andezit xây dựng tập trung ở Cam Hòa, Cam Tân, Suối Tân với trữ lượng 1.131,2 triệu m3.
Cát xây dựng tập trung ở Suối Cát, Suối Tân và Cam Đức với trữ lượng 1,5 triệu m3. Ngoài ra tại các xã Cam Hòa phát hiện còn có mỏ quặng thiết; Cam Phước Tây có mỏ đất sét là nguyên liệu sản xuất gạch, ngói.
e) Tài nguyên biển và du lịch
Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, quan cảnh thiên nhiên huyện Cam Lâm đẹp như bức tranh sơn thủy thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo, ngoài ra còn có nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và các ngành kinh tế biển.
Cam Lâm có 13km bờ biển, trong đó khu vực Bãi Dài (Cam Hải Đông) thuộc khu vực bán đảo Cam Ranh nằm dọc bờ biển 10km. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với các bãi biển đẹp, thoải, nước trong, cát trắng và mịn, rất thuận lợi hình thành bãi tắm để thu hút khách du lịch, nghỉ dưỡng.
Cam Lâm còn có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tìm hiểu văn hóa xã hội về với cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá rừng tự nhiên, thể thao leo núi, …Trên địa bàn huyện Cam Lâm còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Linh Sơn và Mộ Yersin tại xã Suối Cát), 04 di tích cấp tỉnh (Đình Cam Tân, Đình Thủy Triều, Đình Cửu Lợi và Đồn Cửu Lợi). Nhiều di tích lịch sử đang trong giai đoạn khảo sát thống kê sắp xếp và đề nghị công nhận.
Đặc biệt địa bàn xã Suối Cát có núi Hòn Bà với khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, có khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.
4. Dân cư và nguồn lao động
Năm 2007, dân số huyện Cam Lâm là 100,4 nghìn người, đến năm 2014 là 105,7 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm. Mật độ dân số trung bình của huyện đã tăng từ 182 người/km2 năm 2007 lên 191 người/km2 năm 2014 và bằng 83,2% mật độ dân số trung bình của tỉnh Khánh Hòa. Dân cư huyện Cam Lâm phân phố không đều, tập trung đông đúc ở thị trấn Cam Đức và thưa dần ở những xã miền núi, đồi phía Tây của huyện.
Nguồn lao động của huyện Cam Lâm khá dồi dào và bằng 63-64% so với tổng số dân, đa số người trong độ tuổi lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
Cơ cấu lao động thời gian qua chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật, từ công nhân kỹ thuật trở lên so với lao động đang làm trong các ngành kinh tế quốc dân của huyện còn thấp, đặc biệt thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao trong các ngành có khả năng tạo chuyển biến lớn cho nền kinh tế.
5. Hành chính
Huyện Cam Lâm có 13 xã và 01 thị trấn gồm xã Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Sơn Tân, Cam Thành Bắc, Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Suối Cát và thị trấn Cam Đức. Thị trấn Cam Đức là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Cam Lâm.