Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu tổng quan Diên Khánh

Diên Khánh – một huyện có những vườn cây ăn trái, di tích và thắng cảnh nổi tiếng, nhân dân có truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Huyện Diên Khánh nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa. Trung tâm huyện cách Nha Trang 10km về hướng Tây. Diên Khánh tiếp giáp với các huyện Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và thành phố Nha Trang.

Đất đai Diên Khánh được chia thành hai vùng đồng bằng và rừng núi. Đồng bằng Diên Khánh bao gồm hai cánh đồng lớn nằm trên lưu vực hai con sông lớn là sông Cái và sông Suối Dầu. Làng quê Diên Khánh được phủ lên một màu xanh bởi những lũy tre làng, những vườn cây ăn trái trong đó có những đặc sản được cả nước biết đến như thanh long, xoài, mít,… Quanh làng quê là những cánh đồng màu mỡ tô điểm cho Diên Khánh trở thành một bức tranh hoàn mỹ với màu xanh dịu mát thể hiện cuộc sống trù phú của quê hương.

Rừng núi Diên Khánh có trữ lượng gỗ lớn với nhiều loại gỗ quý như hương, bằng lăng, căm xe,… đặc biệt có trầm hương và kỳ nam, một đặc sản có giá trị xuất khẩu lớn. Rừng núi Diên Khánh còn có nhiều thú và chim quý như sơn dương, hổ, hươu, nai, khỉ,…


 

Am chúa - Di tích lịch sử Diên Khánh

Nói đến núi non Diên Khánh hầu như ai cũng biết đến núi Chúa (Đại an), là nơi sinh ra huyền thoại Thiên Y Ana nổi tiếng, gắn liền với tháp Ponagar Nha Trang. Từ đây ngược lên hướng Tây có những núi cao trên 1.000m chạy liên sơn, nối liền với Khánh Vĩnh và dãy Trường Sơn trùng điệp thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Núi Đá Đen xưa kia là căn cứ 175, một chiến khu vững vàng nhất của huyện và tỉnh Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến. Hòn Dữ trong nhiều năm tháng là nơi đóng trụ sở của cơ quan lãnh đạo của huyện và tỉnh. Về phía Nam có hòn Chuông là nơi xây dựng căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng ở bờ Nam sông Cái và là nơi diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Hòn Chuông cũng là nơi mở đầu cho đợt chiếm lĩnh của ta và tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định Pa ri được ký kết.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện và tỉnh Khánh Hòa, rừng núi Diên Khánh đóng vai trò vô cùng quan trọng, hỗ trợ cho quân dân huyện và tỉnh làm nên những chiến công vang dội. Biết bao tên núi, tên sông, suối, gộp đá còn mang dấu ấn của hai cuộc kháng chiến. Đó là gộp Cây Gạo, suối Bạch Đằng,… mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Diên Khánh.

Hệ thống sông ngòi của Diên Khánh rất phong phú. Đó là các dòng sông Chò, suối Dầu, Cây Sung, sông Cái. Sông Cái còn gọi là sông Nha Trang, là sông lớn nhất ở Diên Khánh có độ dài trên 60km, phát nguyên từ dãy Trường Sơn. Vượt nhiều ghềnh thác, sông Cái chảy về Diên Khánh, chia vùng đồng bằng thành hai, sau đó phân lưu và xuôi chảy ra cửa biển Nha Trang ở Xóm Bóng và Hà Ra. Sông Cái có nhiều cảnh đẹp là nguồn thi hứng của nhiều nhà thơ. Và cũng trên dòng sông này đã chứng kiến nhiều trận thủy chiến quyết liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sông Cái là ranh giới để ta chia địa bàn Diên Khánh thành hai huyện Cửu Long và Sông Gianh để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào đấu tranh.

Ngoài ra Diên Khánh còn có nhiều dòng suối mà thiên nhiên đã kiến tạo nên những phong cảnh đẹp lạ kỳ như Suối Tiên, Suối Đổ, Bạch Đằng,… Đặc biệt có suối nước nóng Đảnh Thạnh có giá trị vô cùng to lớn trong y học và du lịch.

Suối Đảnh Thạnh ở xã Diên Tân, cách Nha Trang 25 km về hướng Tây Nam. Suối này đã được nghiên cứu trong thời Pháp thuộc và Mỹ ngụy nhưng chưa được khai thác. Hiện nay đã được khai thác đưa vào phục vụ nhân sinh.

Trên quê hương Diên Khánh có nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Raglay, Ê đê,… Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước các dân tộc đã đoàn kết, thương yêu nhau trong khối đại đoàn kết của dân tộc và đã viết nên những trang sử huy hoàng.

Từ rất xa xưa đã có con người sinh sống trên phần đất Diên Khánh. Diên Khánh từng là nơi cư trú của người Chăm với nền văn minh rực rỡ. Nhiều bia ký truyện dân gian, nghệ thuật tạo hình – như truyền thuyết Thiên Yana, tượng Thiên Yana ở Am chúa, chùa Hoa Tiên, hòn đá Linga ở vùng đất chùa Thiên Lộc.. đã nói lên điều đó.

Nửa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, sau nhiều đợt thiên di, người Việt từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các nơi khác đến cư trú trên địa phận Diên Khánh ngày nay ngày càng nhiều. Nhiều vùng đất hoang vu được khai phá. Xóm làng mọc lên ngày càng đông đúc. Khi có dân, chúa Nguyễn đã thành lập các đơn vị hành chính. Đầu tiên là dinh Thái Khang với hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Năm 1690 Thái Khang đổi thành dinh Bình Khang và năm 1742 Diên Ninh đổi thành Diên Khánh.

Sang thế kỷ XVIII đời sống của nhân dân lao động trở nên cùng cực không lối thoát. Mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến ngày càng gay gắt. Trước yêu cầu lịch sử, năm 1771 tại ấp Tây Sơn ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã phát triển nhanh chóng không thế lực nào cản nổi. Nhân dân Diên Khánh cũng hòa nhịp vào cuộc đấu tranh chung, đã tham gia, ủng hộ khởi nghĩa Tây Sơn.

Khi vương triều Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh đẩy mạnh âm mưu phục hồi triều Nguyễn phản động. Trên quê hương Diên Khánh đã diễn ra nhiều trận quyết chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh mà Thành Diên Khánh là trung tâm.

Trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Khánh Hòa, Thành Diên Khánh đã trở thành nơi đóng quân của tổng hành dinh quân khu Nam dưới sự lãnh đạo của Trịnh Phong, Nguyễn Khanh. Cuộc kháng chiến tuy thất bại nhưng đã viết nên cho quê hương Diên Khánh những trang sử ngời sáng.

Các phong trào yêu nước của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa diễn ra sôi nổi, liên tục nhưng cuối cùng đều đi đến thất bại vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Chính vì vậy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3 tháng 2 năm 1930) phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam nói chung và Diên Khánh nói riêng mới đi đúng hướng và giành được thắng lợi vẻ vang.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Diên Khánh đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn, lật đổ ách thống trị thực dân phong kiến xây dựng chính quyền cách mạng vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 – cùng ngày với Thủ đô Hà Nội và thành phố Nha Trang.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Diên Khánh đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng chính quyền Cách mạng, diệt giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Khi thực dân Pháp xâm lược trở lại Nha Trang vào tháng 10 năm 1945, Diên Khánh đã trở thành hậu phương vững chắc cho mặt trận Nha Trang. Và Diên Khánh cũng đã có những đóng góp xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Đến ngày 2 tháng 4 năm 1975 toàn huyện Diên Khánh đã được giải phóng và ngày ấy trở thành ngày lịch sử đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Diên Khánh anh hùng.

Sau ngày giải phóng Đảng bộ huyện đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách giành được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội tạo điều kiện cho huyện nhà phát triển vững chắc; làm cho quê hương Diên Khánh ngày càng khởi sắc và đi lên toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhân dân Diên Khánh đã ghi nên những trang lịch sử oanh liệt. Và hiện nay, đang viết tiếp những trang sử mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


Nguồn: https://dienkhanh.khanhhoa.gov.vn/vi/gioi-thieu-chung/dien-khanhmot-vung-dat-van-hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết