Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KHU TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ GẠC MA

Là công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, Khu Tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn cả nước cùng hướng về biển đảo thân yêu. Đây là công trình lịch sử kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hi sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Gạc Ma đã trở thành điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng du khách trên hành trình đến với vùng đất Cam Lâm – Khánh Hòa.

Nằm trên triền cát trắng gió lộng, trong lòng vịnh Cam Ranh xinh đẹp, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc tại vị trí trung tâm của Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Công trình được xây dựng bằng công sức, tâm huyết của công đoàn viên, người lao động và các tổ chức công đoàn trên mọi miền đất nước cả về tài chính, trí tuệ và cả nỗi khát khao được thể hiện lòng biết ơn, tình cảm tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Khu Tưởng niệm Gạc Ma để lại nhiều xúc động cho du khách không chỉ bởi cảnh quan tươi đẹp, không gian rộng lớn, xanh mát hướng ra biển cả mênh mông, mà còn bằng lịch sử bi tráng đầy xúc động, tự hào, là nơi tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vào ngày 14/3/1988 trong trận chiến đấu với kẻ thù trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

Được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017, Khu tưởng niệm Gạc Ma có nhiều hạng mục, bao gồm Phần tượng đài, Khu trương bày ngầm, Mộ gió, Quảng trường hòa bình, khuôn viên cây xanh.

Đặt chân đến nơi đây, ngước nhìn lên, nổi bật giữa đất trời bao la, Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma – trái tim của Khu tưởng niệm sừng sững thế đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Trước lúc hi sinh, các anh đứng thành vòng tròn, bất tử trước mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hi sinh kiên cường của 64 người chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt.

Từ tượng đài nhìn xuống Khu trưng bày ngầm là hình ảnh vòng tròn bất tử thiêng liêng. 64 đóa hoa tượng trưng cho 64 người con bất tử cùng ôm lấy lá cờ đỏ, ngôi sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước. Khi cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được phát động, dù là cuộc thi không có giải thưởng, nhưng đã nhận được hàng trăm mẫu thiết kế. Có người sửa đi sửa lại bản thiết kế đến hơn 700 lần, lại có người xin tình nguyện ra Trường Sa để tìm cảm hứng. Đã có hàng trăm trái tim, hàng trăm khối óc tự nguyện dốc hết tâm huyết dành cho Gạc Ma. Vì vậy, Gạc Ma là công trình mang tính biểu tượng cao, có sức biểu cảm tâm linh và gây xúc động mạnh. Vẻ đẹp của công trình dường như chạm đến trái tim của tất cả những người đến đây.

Khu trưng bày ngầm được xây dựng dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm. Nơi đây là không gian tái hiện lại, và là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo Việt Nam và các Chiến sĩ Gạc Ma cùng sự kiện ngày 14/3/1988.

Mộ gió, là khu vực tâm linh nhất của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ hi sinh với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Bởi mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây nên được gọi là Mộ gió. Những dòng tên được khắc trên bia tưởng niệm thấp thoáng bên những cành hoa sứ sum xuê nở bông trắng muốt, mỗi khi gió thổi, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn cùng hương hoa sứ phảng phất càng tăng thêm không khí xúc động, linh thiêng.

Quảng trường Hòa bình là khoảng không gian khoáng đạt nổi bật với hình ảnh chim bồ câu tung cánh bay về hướng biển. Có thể thấy, đó cũng là thông điệp, là khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Hơn 30 năm đã qua đi, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết, nhưng không thể xóa nhòa được ký ức bi tráng của tất cả những người dân Việt Nam về những người con quả cảm mà sự hi sinh của họ đã trở thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc – tình yêu biển đảo thiêng liêng, để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ và giữ gìn từng tấc đất, thước biển của Tổ quốc.

Ngày 22.7.2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thống nhất quan điểm với Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc xây giai đoạn 2 với các công trình công viên biển đảo, gắn kết hài hòa với khu bảo tàng Trường Sa, nhà trưng bày phục vụ khách tham quan, du lịch. UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giao 2,5 ha giáp biển kết nối với Khu tưởng niệm về hướng biển.

Khu tưởng niệm Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá, chim hót líu lo trên những cây bàng vuông, cây phong ba được đưa từ ngoài đảo về trồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Gạc Ma đã đón hàng chục ngàn đoàn khách tham quan và gần 500 ngàn lượt khách đến viếng. Gạc Ma đã trở thành một địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, một địa chỉ đỏ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo cho các thế hệ. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động trang nghiêm như lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên, là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và du khách tham quan. Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam./.

Nguồn: tinhdoankhanhhoa.org.vn


Nguồn: tinhdoankhanhhoa.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết