Nha Trang ban hành Kế hoạch phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững thành phố Nha Trang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 13/7/2024, UBND thành phố Nha Trang đã ban hành Kế hoạch số 5703/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững thành phố Nha Trang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được xây dựng với mục đích gìn giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; góp phần sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống, khẳng định giá trị, sức sống của di sản thông qua phát triển bền vững các loại hình dịch vụ du lịch. Thực hiện đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời Kế hoạch cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2027 và đến năm 2030.
Để triển khai Kế hoạch, thành phố Nha Trang cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp:Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; xây dựng và thực hiện các kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương; trong đó quan tâm đúng mức yêu cầu và nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làm nền tảng và động lực để phát triển du lịch. Xây dựng đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa, du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, du lịch.Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Nâng cao chất lượng về nội dung và đổi mới hình thức thể hiện, trình diễn của các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - du lịch trên địa bàn thành phố. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các thành viên trong Ban Quản lý di tích nhất là người trông coi trực tiếp di tích nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia một cách tích cực, tự giác và có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Phối hợp các Ban Quản lý di tích phục dựng các nghi lễ cúng bái tại các đình, lăng, văn chỉ để lưu trữ, truyền dạy cho thế hệ sau. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch; sơ kết, tổng kết và động viên, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích.
Kế hoạch cũng phân công tổ chức thực hiện cho thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị của thành phố chủ động triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể của cơ quan nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực và các nội dung công việc được phân công.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Luyện Mạnh Cường – Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa