Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu cá đêm trên vịnh Nha Trang: Chinh phục những đam mê

 

Không biết từ khi nào, phong trào câu cá đêm xuất hiện ở Nha Trang, chỉ biết bây giờ, nó đã trở thành thú vui của hàng ngàn người.

Thú chơi này cũng lắm công phu và đòi hỏi nhiều công sức. Đêm đêm, giữa mênh mông biển cả trên vịnh Nha Trang, thú buông cần vừa là dịp để mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới giữa lung linh ánh đèn, vừa thú vị trải qua cảm giác chinh phục câu được những con cá dưới biển…

° Chuyện của những tay câu chuyên nghiệp  

Tour câu cá đêm do Sanest Tourist tổ chức.

Một lần, tôi được ông Năm, một cao thủ về câu cá biển ở Vĩnh Nguyên dắt đi câu cá đêm. Khu vực chúng tôi đến câu là mũi Điện, sau lưng Hòn Tre, nơi có nhiều ghềnh đá, môi trường lý tưởng cho các loại cá mú, cá hồng, cá đỏ mép, chình… sinh sống. Tay thoăn thoắt móc mồi vào lưỡi câu, ông Năm cho biết: “Riêng cái khoản mồi câu cũng lắm chuyện. Sáng mờ đất, khi ngư dân đánh cá vừa cập bờ, tui đã xuống chợ Chụt (Vĩnh Nguyên) mua cá nục, cá phèn hoặc cá đỏ củ đem về xẻ dọc những con to, còn loại nhỏ chừng nửa lạng thì để nguyên con, sau đó rải cá ra xối nước ngọt vào. Cá mua tầm 4 giờ sáng, lúc các ngư dân vừa cập bờ nên chọn được cá tươi. Còn việc xối nước lạnh vào mồi là nhằm làm cho cá khi gặp nước lạnh sẽ phát ra mi-nơ (lân tinh) vào ban đêm, trở thành mồi dẫn dụ cá đến. Có bữa chợ Chụt ít cá, tui phải xuống tận chợ Xóm Bóng, cũng có khi mò sang tận chợ đầu mối hải sản cảng Hòn Rớ mới tìm được mồi ngon”. Móc mồi vào lưỡi số 10, cước loại 70, ông Năm câu bằng ống thay vì cần, bởi ông quyết bắt con cá tầm 1 kg trở lên. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, 1 tay ông giữ đầu cước, tay kia giữ ống câu, ông vẫn trò chuyện rôm rả, nhưng lâu lâu bất ngờ ông im bặt, ánh mắt dõi theo sợi cước. Một lúc sau, sợi cước bỗng rung lên rồi căng như dây đàn, ông khẽ cúi mình nương theo sức kéo từ đáy biển, rồi bắt đầu chống đỡ với sức kéo nặng của con cá mắc câu. Sợi cước bắt đầu chạy loạn xạ, ông Năm cố giữ không cho cước tuột thêm, bởi nếu nương theo sức cá thêm vài sải cước nữa, rất có thể ông sẽ tuột luôn con cá vì dưới đáy là rạn (vùng đá ngầm hoặc ám tiêu san hô), cá chui được vào đó coi như “đi tong”. Vật lộn với sức kéo của cá chừng 10 phút, bỗng sợi cước di chuyển chậm lại, ông liền từ từ thu cước. Đến cách mặt nước 10m, bất ngờ con cá quay đầu chui xuống vì thấy bóng thuyền. Đây là thời điểm rất dễ mất cá. Bởi dường như con cá cảm nhận được giai đoạn nguy hiểm nhất đã đến, nên dồn tất cả sức lực để quật ngược lại sức kéo từ trên bờ. Nếu người câu lỏng tay, cá sẽ có cơ hội kéo luôn sợi dây câu trốn thoát. Còn nếu quá chặt tay, rất có thể sợi cước sẽ bị đứt hoặc lưỡi câu bị kéo thẳng. Nhưng ông Năm lại là một tay câu cá lão luyện, tuy thấm mệt vì “chiến đấu” hơn 10 phút với con cá, nhưng phản ứng của ông vẫn rất nhanh nhạy. Ngay lập tức, ông nương theo sức kéo của cá trong tư thế sợi cước luôn luôn căng ra ở mức cần thiết. Một cuộc chiến mới lại bắt đầu nhưng lần này nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn lần đầu và chừng 5 phút sau, con cá đã được lôi tuột lên mặt nước. 1 chú cá mú nghé to bằng bắp chân, ước chừng 3-4 kg. Ông Năm tựa lưng vào mạn thuyền, rửa tay sạch sẽ và bắt đầu châm thuốc hút. Có lẽ ông muốn tận hưởng thêm cảm giác khoan khoái sau khi chinh phục được “bà” mú nghé - vốn là loại hung hãn, dễ dính mồi nhưng rất khó câu. Mỗi đêm đi câu, ông thường mang về vài chục kg cá, bữa nào “tróc lóc” (không được con nào) thì ông chong đèn câu vài kg mực gỡ gạc.

“Câu cá sướng nhất là đoạn chiến đấu” - ông Bảy Cam, đội trưởng đội kỹ thuật khai thác Công ty Yến Sào Khánh Hòa - một tay câu lão luyện - bắt đầu câu chuyện của mình. “Tùy mục tiêu, mỗi người có cách câu khác nhau. Câu cá nhỏ thì dây câu, lưỡi câu phải khác so với câu cá lớn. Đó là chưa kể câu rạn, câu xoãi… rồi câu đáy, câu lửng, câu dắt… mỗi hình thức câu đem về những loại cá khác nhau và đều có những thú vị riêng của nó. Với cá to, các tay câu thường dùng cước số 70-100, lưỡi câu từ số 10 đến số 4 (số càng nhỏ, lưỡi câu càng to). Sau khi mua cá về chế biến thành mồi, các loại nước cá, lòng, đầu hay xương cá không nên vứt đi mà bọc vào gói ni lông cùng với đá cuội. Trước khi câu, các tay câu thường dùng 4-5 lưỡi câu móc vào bao ni lông thả xuống đáy biển, sau đó dùng lưỡi câu móc sẵn giật cho thủng bao ni lôn để dụ cá đến. Với hình thức câu đáy, các tay câu thường chọn câu ở rạn. Loại cá trong rạn thường là cá lớn từ 0,5 đến vài chục kg”.

Cách đây 4 năm, trong một lần đi câu như thường lệ, ông Bảy Cam dùng loại cước 100, lưỡi số 5 để “phục kích” những con cá hàng chục kg. Điểm câu là khu vực phía sau đảo Hòn Tre. Sau chừng 30 phút yên tĩnh, bỗng nghe sợi cước “sật” 1 cái, ông liền nhanh chóng dùng sức giữ không cho cá chui vào rạn. Nhưng với sức kéo khủng khiếp của cá, sợi cước quấn vào tay ông thâm tím, mỏi rã rời. Ông buộc phải nới lỏng từ từ rồi lại kéo lên khi sợi cước nhẹ hơn. Khi chú cá phóng đi khắp nơi, ông cũng bị dắt chạy nhong nhong quanh mạn thuyền, ông hiểu cá đã được đưa ra khỏi rạn. “Cuộc chiến” lúc đó đang đến hồi quyết liệt nhất giữa kẻ đi săn và con mồi. Cá dưới nước bao giờ cũng mạnh. Chừng 30 phút nương theo sức kéo của cá, ông bắt đầu công đoạn kéo lên. Chừng vài sải tay, cá lại tiếp tục một “cuộc chiến” mới. Cứ như thế cả tiếng đồng hồ, con cá mới bị kéo lên. Hóa ra là một “ông” mú già dài cũng hơn mét, nặng tầm ba chục kg. Hơn 20 năm gắn bó với biển, đó là lần thứ 2 ông câu được con mú già nặng như thế. Ông cho biết: “Loại mú già thường sống ở tầm 20m nước trở xuống. Cùng với loại Hồng Nanh, mú già rất khó bắt vì sau khi ăn mồi, nó luồn lách vào ngách đá nhanh như cắt. Sợi cước nếu không bị cứa đứt bởi cạnh đá hoặc hàu, thì cũng bị rối trong hang đá, không thể kéo lên. Hồng Nanh cũng thế, nó thường nằm trong rạn, rất ham mồi nhưng nhảy ra đớp xong, ngay lập tức chuồn vào rạn. Câu hàng chục con, may ra “ăn” được 3-4 con. Còn các loại như cá đỏ mép, cá gáy tầm 3-5 kg ít chui vào hang hơn nên dễ câu hơn”.

Đó là chuyện của những “tay câu chuyên nghiệp” - những người mà con nước, khu vực câu, tập tính của từng loại cá… đã trở nên quá quen thuộc với họ. Còn với những “tay câu ngang” theo dạng phong trào, họ cũng đầy ắp kiến thức, kỹ năng, nhưng mục tiêu của đa số dân câu là loại cá nhỏ, dưới 4kg. Với loại cá này, câu rạn vẫn là số 1, kế đến câu gành (ngồi trên bờ đá) rồi đến câu xoãi (câu giữa biển, dưới đáy là cát, bùn hoặc đá nhỏ). Với câu rạn, họ thường neo thuyền cách đảo chừng 30m, nơi kín gió, sóng êm, phù hợp với mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em vì không ít người đưa cả gia đình đi câu như một dịp thư giãn.

Loại cước sử dụng phổ biến nhất vẫn là cước số 45, 50 lưỡi số 12, 14. Cũng với những loại cá đặc trưng của vùng ghành, rạn như cá mú, gáy, đỏ mép, sơn thóc, sơn găng, cá tráo, cá lù… kể cả mực, chình đều không thiếu. Nhưng trọng lượng chỉ ở mức vài lạng đến vài kg. Anh Hà, nhân viên Bưu điện tỉnh – người đã gắn bó với thú vui câu cá biển hàng chục năm cho biết: “Để phục vụ cho việc câu, dân câu thường sắm vài bộ câu máy, rẻ thì 2-3 trăm ngàn, có loại lên đến hàng chục triệu. Câu cá sướng nhất là lúc cá ăn mồi, cảm giác rung rung nhẹ truyền đến đầu ngón tay và sau đó là một lực khá mạnh kéo cước xuống thấp hoặc ra xa”. Câu cá cũng lắm kỷ niệm khó quên. Anh Hà kể: “Thời gian chiến đấu với loại cá tầm dưới 0,5kg không nhiều, nhưng đôi khi, mình dùng loại cước nhỏ, lưỡi nhỏ mà bị con cá lớn ăn thì đứt cước, nhưng đôi khi cũng chinh phục được nó. Có lần đi câu dùng cước 45, lưỡi 12, mồi cá cơm to bằng ngón tay út, dính phải con cá chép cũng đến 5kg ăn “lộn sòng”. Theo lý thuyết, cước số 45 đủ sức kéo đến 16kg, nhưng với 1 con cá 5 ký dưới nước, sức kéo của nó rất mạnh. Nếu mình cương với nó thì chắc chắn cước sẽ bị đứt. Mà nới lỏng quá thì cá dễ bề chui vào hang, hốc đá… lần này may mắn cá đã chui ra khỏi rạn, chạy tứ tung một hồi rồi cũng đầu hàng. Khi cá đã cặp mạn thuyền, phải dùng đến khấu (cần ngắn chừng 1,2m, 1 đầu gắn lưỡi câu lớn không ngạnh, dùng để móc cá kéo lên thuyền) mới kéo nó lên được. Với những người này, câu cá chỉ là một chuyện. Quan trọng hơn với họ là bên cạnh thú vui giải trí, đây còn là dịp để gia đình, bạn bè quây quần bên nhau giữa một không gian rộng lớn, thoáng đãng và tĩnh mịch.

° Sẽ là một tour hấp dẫn?             

Những phút tình tự giữa biển khơi.

 

 

Dịp Festival Biển vừa qua, Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức tour câu đêm. Tôi cũng “bon chen” đi câu trên chiếc tàu du lịch được thiết kế khá đẹp, 2 dãy ghế ngồi thoáng đãng, có thể quan sát rộng xung quanh. Tàu xuất bến tại cảng Cầu Đá  - Vĩnh Nguyên lúc 6 giờ tối. Chui qua cáp treo vượt biển dài nhất thế giới, thành phố Nha Trang bắt đầu hiện ra lung linh ánh đèn. Giữa không gian thoáng đãng, Nha Trang hiện lên như một viên ngọc sáng soi mình xuống biển. Biển Nha Trang bao giờ cũng thế, đẹp và hiền hòa. Sau gần 1 giờ lênh đênh trên vịnh Nha Trang, khu vực Bãi Bàng hiện ra mờ mờ dưới ánh trăng thượng tuần. Tàu cắm neo, những tay câu bắt đầu buông cần. Tới sáng, ai cũng hồi hởi khoe những “chiến lợi phẩm” của mình. Dù mệt nhưng người nào người nấy đều hồ hởi, phấn khởi sau một đêm lênh đênh giữa đại dương…

Vài năm trở lại đây, một số công ty du lịch ở Nha Trang đã mở thêm tour câu cá đêm trên vịnh Nha Trang để đáp ứng như cầu ngày càng tăng của du khách và người dân bản địa. Với khách đi tour, chỉ cần bỏ ra 180.000 đồng, khách sẽ được đưa đi tham quan và câu cá trên vịnh Nha Trang, được phục vụ 1 bữa ăn nhẹ ngay trên thuyền trong hành trình kéo dài từ 18 giờ đến 23 giờ. Nếu muốn, khách có thể được phục vụ “over night” giữa “khách sạn ngàn sao” muôn trùng sóng vỗ. Các loại cá khách câu được có thể chế biến và thưởng thức tại chỗ. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của những chuyến câu đêm.


Hits: 13915

Nguồn: http://www.nhatrang-travel.com/index.php?cat=0505&type=1&itemid=319
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết